10+ Phong Tục Truyền Thống Ngày Tết Việt

19/01/2024
10+ Phong Tục Truyền Thống Ngày Tết Việt
Tết Nguyên Đán không chỉ là dịp để mọi người đoàn tụ và sum họp sau một năm dài, mà còn là ngày lễ truyền thống hiện lên với những phong tục, văn hóa đa dạng và phong phú.

Trong bài viết này, hãy cùng Food City tìm hiểu 10+ phong tục truyền thống ngày Tết Việt. Chắc hẳn sẽ có những điều thú vị và gây bất ngờ cho bạn đấy!

I. Tìm hiểu về phong tục truyền thống ngày Tết Việt

Đất Việt từ lâu đã được biết đến là nơi chứa đựng nhiều phong tục, văn hóa truyền thống đặc sắc. Qua thời gian, những nét truyền thống của người Việt vẫn được gìn giữ và lưu truyền đến ngày nay. Những hoạt động truyền thống này không chỉ mang tính biểu tượng mà còn là những trải nghiệm gắn kết trong tâm hồn mỗi người con Việt Nam.

ngay-tet-viet

Ngày Tết Việt

II. Những phong tục truyền thống ngày Tết Việt

1. Đưa ông Công, ông Táo

Ngày cúng ông Công, ông Táo rơi vào ngày 23 tháng Chạp theo lịch Âm. Đây là lúc mà mọi gia đình Việt thường dọn dẹp bếp núc trong nhà, sau đó mua cá chép hay cá vàng cùng vàng mã để cúng ông Công, ông Táo. Phong tục truyền thống này nhằm đưa ông Công, ông Táo về trời, báo cáo về mọi sự kiện của gia đình trong suốt một năm với Ngọc Hoàng.

dua-ong-cong-ong-tao

Đưa ông Công, ông Táo

2. Gói bánh chưng, bánh tét

Bánh chưng, bánh tét là những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết. Trong những ngày cuối năm, các thành viên trong gia đình thường tụ tập để cùng nhau làm bánh, tạo nên không khí ấm áp và gắn kết. Bánh chưng và bánh tét không chỉ mang nét truyền thống đặc biệt mà còn là sợi dây gắn kết tình thân trong gia đình và làng xóm.

goi-banh-chung-banh-tet

Gói bánh chưng bánh tét

3. Đi chợ sắm Tết

Việc đi chợ sắm Tết là một phong tục truyền thống không thể thiếu. Mọi người háo hức sắm quần áo mới, trái cây hay những vật trang trí nhà cửa. Chợ Tết rộn ràng với sắc hoa, trái cây tươi bắt mắt và tiếng người mua bán hối hả. Các loại kẹo bánh, bánh mứt cũng là điểm đặc biệt trong chợ, mang đến không khí vui tươi và hấp dẫn cho ngày lễ Tết quan trọng.

cho-tet-viet

Chợ Tết Việt

4. Bày mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu vào những ngày Tết. Dù mỗi miền đặc trưng với những loại quả khác nhau, tuy nhiên, ý nghĩa chung của mâm ngũ quả vẫn là thể hiện lòng kính trọng đối với trời đất và tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Đồng thời, mâm ngũ quả còn là biểu tượng của mong ước cho một năm mới đầy may mắn, sung túc và tài lộc.

bay-mam-ngu-qua

Bày mâm ngũ quả

5. Đi tảo mộ tổ tiên

Tảo mộ, hay chạp mã, là phong tục dọn dẹp phần mộ của người thân đã mất trong gia đình vào những ngày giáp Tết. Con cháu sẽ cùng nhau thăm viếng, sửa sang mộ, sau đó thắp hương, dâng hoa để bày tỏ lòng thành kính với người đã khuất. Nghi lễ này thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng và mong nhận được sự phù hộ của người thân trong năm mới.

di-tao-mo

Đi tảo mộ

6. Dọn dẹp nhà cửa

Trong những ngày trước Tết, những gia đình Việt thường dành thời gian dọn dẹp và trang trí lại nhà cửa. Việc dọn dẹp nhà cửa trước Tết mang ý nghĩa loại bỏ những điều kém may mắn trong năm cũ. Các gia đình cũng trang trí và bày biện sẵn những vật dụng như hộp mứt Tết, bộ bình ly để tạo ra không gian ấm cúng và sẵn sàng chào đón ngày Tết đến.

don-dep-nha-cua

Dọn dẹp nhà cửa

7. Chưng hoa ngày Tết

Chưng hoa ngày Tết không chỉ là cách trang trí làm đẹp cho nhà cửa, mà còn chứa đựng mong ước cho một năm mới tràn đầy may mắn, thành công, bình an và thịnh vượng. Người Việt thường sử dụng nhiều loại hoa khác nhau như hoa mai, đào, vạn thọ, đồng tiền,... để tạo ra không gian đậm chất ngày Tết Việt.

chung-hoa-ngay-tet

Chưng hoa ngày Tết

8. Làm mứt Tết

Phong tục làm mứt Tết giúp tạo nên một không khí ấm áp và mang nét truyền thống trong ngày Tết. Theo truyền thống, những người phụ nữ trong gia đình sẽ quây quần cùng nhau tạo nên những loại mứt thơm ngon để trưng bày trong mâm cỗ Tết. Làm mứt Tết, mặc dù giản dị nhưng đã gắn bó với tuổi thơ và tạo nên những trải nghiệm đáng nhớ cho mỗi thế hệ đã qua.

lam-mut-tet

Làm mứt Tết

9. Tất niên

Bữa cơm tất niên thường diễn ra vào chiều ngày 30 Tết, là phong tục truyền thống mà mọi gia đình Việt đều có. Gia đình chuẩn bị một bữa cơm để cúng tổ tiên, sau đó cùng nhau quây quần bên mâm cơm, ăn cơm và trò chuyện. Đây chính là cơ hội để mọi gia đình cùng nhau kết thúc một năm cũ và chào đón năm mới với những hi vọng và điều mới mẻ, may mắn.

tat-nien

Tất niên

10. Đón giao thừa

Giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là thời khắc giao thoa đặc biệt giữa con người và vũ trụ. Các hoạt động thường diễn ra trong đêm giao thừa như bắn pháo hoa, cúng giao thừa, chúc Tết và lì xì đã tạo nên một bức tranh đầy sắc màu cho nền văn hóa Tết Việt.

don-giao-thua

Đón giao thừa

11. Dựng cây nêu

Để xua đuổi tà ma và những điều không may mắn, người ta thường dựng cây nêu. Đây là một phong tục truyền thống quan trọng, thể hiện qua việc dựng một cây tre cao khoảng 5-6m, trang trí bằng vàng mã, bùa trừ tà, tấm vải điều, cá chép giấy treo trên đỉnh cây. Thông thường, cây nêu được dựng vào ngày 23 tháng Chạp và hạ xuống vào ngày mùng 7 Tết.

dung-cay-neu

Dựng cây nêu

12. Hái lộc

Hái lộc là hành động bẻ một cành hoặc lá cây, thường là từ những loại cây có tuổi đời cao như cây si, cây bàng, cây đa, mang về nhà với hi vọng đón nhận nhiều may mắn và thuận lợi trong năm mới. Ngoài ra, người ta còn tin rằng, những cây "hái lộc" sẽ phát triển và tươi tốt hơn trong năm mới.

hai-loc

Hái lộc

13. Xông đất

Theo quan niệm dân gian của người Việt, xông đất đầu năm là một trong những phong tục truyền thống Tết quan trọng nhất. Gia chủ thường mời người hợp tuổi đến xông đất, nhằm mang lại sự hạnh phúc và thành công cho năm mới. Thông thường, thời điểm xông đất sẽ là sau khi phút giao thừa để mở đầu một năm mới an lành và tốt lành.

phong-tuc-xong-dat

Phong tục xông đất

14. Khai bút

Khai bút đầu năm là một phong tục tốt đẹp được ông bà để lại. Khai bút đầu năm thể hiện lòng mong muốn một năm học mới thuận lợi, suôn sẻ, với điểm số như ý và cũng là nguồn động lực cho những người hoạt động trong lĩnh vực viết lách, đảm bảo một năm mới đầy may mắn và thành công.

phong-tuc-khai-but

Phong tục khai bút

15. Chúc Tết, lì xì, mừng tuổi

Chúc Tết, lì xì và mừng tuổi là những phong tục ngày Tết được các bé yêu thích nhất mỗi khi xuân về. Trong những ngày này, mọi người trao nhau những lời chúc ý nghĩa và tặng nhau những bao lì xì may mắn. Đây là cách thể hiện tình cảm và mong muốn cho một năm mới tràn đầy may mắn và thành công.

li-xi-mung-tuoi

Lì xì mừng tuổi

Qua bài viết này, Food City mong rằng bạn đã có thêm những thông tin quý báu về phong tục ngày Tết truyền thống ngày Tết Việt. Nếu bạn thấy bài viết hay và ý nghĩa, hãy chia sẻ cho bạn bè cùng biết với nhé!