Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy. Cùng Food City giải mã 3 ngày Tết - những điều nên làm và kiêng kỵ trong năm mới.
Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy - đây có lẽ là câu nói rất quen thuộc gắn liền với đời sống văn hóa của người Việt. Đối với thế hệ con cháu sau này, câu nói đó còn là cả một
đạo lý làm người. Trong 3 ngày Tết đầu năm, hãy biết ơn và thể hiện tình yêu thương trân quý đến những người có công ơn sinh thành và dạy dỗ chúng ta.
I. Giải mã ý nghĩa 3 ngày Tết
1. Mùng 1 Tết cha
Ngày mùng 1 Tết thường được coi là ngày quan trọng nhất trong năm, là ngày bắt đầu một chu kỳ mới. Vì vậy, việc gọi mùng 1 Tết cha có ý nghĩa nhắc nhở con cháu về nguồn cội bên nội, về gia đình, về những người đã sinh thành ra mình.

Mùng 1 Tết cha - hình ảnh chúc Tết ông bà, cha mẹ của người Việt
Lễ nghi ngày mùng 1 Tết
Tùy theo từng vùng sẽ có các nghi thức khác nhau trong ngày mùng 1 Tết, tuy nhiên, nhìn chung hầu hết gia đình Việt đều thực hiện các lễ nghi ngày mùng 1 Tết như sau:
Cúng gia tiên: Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong ngày mùng 1 Tết. Mâm cỗ cúng thường được chuẩn bị chu đáo với đầy đủ với các phẩm vật như sau: bát hương, nến hoặc đèn, hoa tươi, trái cây, gạo, muối, xôi và một số món ăn truyền thống khác.
Chúc Tết ông bà, cha mẹ: Sau khi cúng gia tiên, con cháu sẽ đến chúc Tết ông bà, cha mẹ. Lúc này, người lớn thường lì xì cho con cháu để chúc mừng năm mới.
Họ hàng sum họp: Thời điểm cả gia đình đoàn viên, quây quần bên nhau sau một năm làm việc vất vả, cười đùa và trao nhau lời chúc yêu thương sẽ là nét đẹp mãi mãi in sâu vào tâm trí mọi thế hệ.
2. Mùng 2 Tết mẹ
Theo quan niệm truyền thống, cha thường đại diện cho gia đình nội, còn mẹ đại diện cho gia đình ngoại. Việc phân chia ngày mùng 1 cho bên nội và mùng 2 Tết mẹ dành cho bên ngoại thể hiện sự tôn trọng và cân bằng giữa hai dòng họ.

Mùng 2 Tết mẹ - chúc Tết tại gia đình
Việc phân chia ngày Tết như vậy đã trở thành một truyền thống đẹp đẽ của người Việt Nam. Nó giúp củng cố tình cảm gia đình, dòng họ và duy trì sự gắn kết cộng đồng.
Những hoạt động thường thấy trong ngày mùng 2 Tết
Thăm hỏi, chúc Tết: Đây là hoạt động chính và quan trọng nhất. Con cháu sẽ đến nhà ngoại, mang theo những món quà nhỏ, lời chúc tốt đẹp và cùng nhau sum họp, ăn uống.
Cúng bái: Tùy theo phong tục của mỗi gia đình, có thể có lễ cúng nhỏ để tỏ lòng thành kính với tổ tiên.
Chuẩn bị các món ăn truyền thống: Các bà, các mẹ thường chuẩn bị những món ăn đặc trưng của gia đình để chiêu đãi con cháu.
Tham gia các hoạt động vui chơi: Sau khi đã hoàn thành các nghi lễ, gia đình có thể cùng nhau đi chơi, du xuân hoặc đơn giản là quây quần bên nhau trò chuyện.
3. Mùng 3 Tết thầy
Theo quan niệm truyền thống, gia đình là gốc rễ của mỗi người. Vì vậy, ngày mùng 1 và mùng 2 Tết được dành để thăm hỏi, chúc Tết ông bà, cha mẹ - những người có công sinh thành dưỡng dục. Đến mùng 3, khi đã hoàn thành nghĩa vụ với gia đình, người ta sẽ sắp xếp thời gian để đến thăm thầy cô.

Hình ảnh ghé thăm nhà cô giáo của các em học sinh cấp 3
Truyền thống tôn sư trọng đạo là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Việc đến thăm thầy cô vào mùng 3 Tết thể hiện sự tôn trọng và biết ơn đối với những người đã có công dạy dỗ mình thành người.
II. Những điều nên làm trong Tết cổ truyền được ông cha truyền lại
1. Đi chùa, hái lộc đầu xuân
Đi chùa hái lộc đầu năm là phong tục truyền thống của người Việt Nam, không phân biệt bất cứ tôn giáo nào. Người lớn thường đến chùa cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình, người trẻ đến chùa cầu tình duyên, công việc được hanh thông.

Hái lộc đầu xuân tại các chùa, tu viện
2. Đi thăm họ hàng
Bận rộn với công việc, có người ở gần, có kẻ ở xa. Một năm qua đi chính là khoảng thời gian hợp lý nhất để họ hàng được đoàn viên với nhau. Đây cũng là dịp chúng ta biết được nhau, chia sẻ và gắn kết được tình cảm gia đình, họ hàng.
3. Mặc quần áo tươi sáng
Màu sắc cũng mang theo vận may, ưu tiên gam màu tươi sáng như đỏ, xanh, vàng, hồng, be...tránh sử dụng các gam màu quá tối như đen, xám hoặc ăn mặc toàn bộ màu trắng.

Mặc quần áo gam màu tươi sáng đi chơi Tết
4. Nghe nhạc xuân
Giai điệu của âm nhạc sẽ khiến chúng ta cảm giác vui vẻ, phấn khởi hơn. Bật một danh sách nhạc xuân sẽ khiến không gian nhà trở nên ấm áp và năng lượng hơn rất nhiều đó.
5. Luôn trong trạng thái biết ơn
Biết ơn là đức tính rất đáng quý của con người, khi bạn sống trong trạng thái biết ơn bạn sẽ thấy cuộc đời nhẹ nhàng và đáng sống hơn rất nhiều, bạn sẽ trân trọng từng giây từng phút được ở bên cạnh người thân thương và được tồn tại trên cuộc đời này.
6. Phong tục mua muối đầu năm
Theo quan niệm dân gian, muối tượng trưng cho sự mặn mà, bền chặt và xua đuổi điều xui xẻo. Vào sáng mồng Một Tết, nhiều người thường mua muối từ các gánh hàng rong với mong ước cả năm no đủ, tình cảm gia đình đầm ấm và các mối quan hệ thuận hòa.
.jpg)
Phong tục mua muối là đặc trưng riêng của Thủ đô
III. 15 điều kiêng kỵ tuyệt đối phải tránh trong Tết Việt
1. Không đi chúc Tết sáng mùng 1
Theo quan niệm dân gian, sáng mùng 1 là thời điểm linh thiêng gia chủ cầu an, đón tài lộc. Khách đến không đúng lúc có thể làm xáo trộn không gian này, dẫn đến năm mới không suôn sẻ. Nếu muốn chúc Tết, hãy đợi sau giờ trưa hoặc khi được gia chủ mời.
2. Kiêng kỵ cãi vã, to tiếng
Ngày Tết là dịp để hòa giải và lan tỏa niềm vui. Việc cãi vã, lớn tiếng được coi là điềm xui, ảnh hưởng đến không khí gia đình và vận may cả năm. Người xưa tin rằng, nếu đầu năm xảy ra tranh chấp, các mối quan hệ trong năm sẽ kém bền chặt. Vì thế, hãy kiềm chế cảm xúc và giữ hòa khí trong mọi tình huống.

Kiêng kỵ cãi vã ngày đầu năm
3. Kiêng kỵ làm vỡ đồ vật
Làm vỡ bát đĩa, gương hoặc các đồ vật bằng sành sứ được xem là điềm gở, báo hiệu sự chia ly hoặc mất mát. Để tránh điều này, các gia đình thường cất kỹ đồ dễ vỡ, nhất là trong những bữa tiệc đầu năm. Nếu không may xảy ra, nhiều người sẽ nói những câu như "vỡ để đón lộc" để hóa giải.
4. Kiêng kỵ mặc trang phục tối màu
Màu đen, màu tối thường được liên tưởng đến tang lễ, u buồn, không phù hợp với sự tươi vui của ngày Tết. Người Việt quan niệm, mặc đồ sáng màu, đặc biệt là màu đỏ, sẽ mang lại may mắn và năng lượng tích cực. Vì vậy, trang phục ngày Tết nên được chọn kỹ lưỡng để phù hợp với không khí lễ hội.
5. Kiêng kỵ cắt tóc, cắt móng tay, cắt móng chân
Cắt tóc hay móng tay vào ngày đầu năm được xem là cắt đi tài lộc và may mắn. Đây là lý do mà trước Tết, nhiều người đã cắt tóc, làm móng để chuẩn bị, vừa gọn gàng vừa không phạm vào điều kiêng kỵ này. Quan niệm này bắt nguồn từ niềm tin rằng đầu năm nên giữ nguyên trạng để cả năm thuận lợi.
6. Kiêng kỵ giặt đồ ngày mùng 1 Tết
Ngày mùng 1 thuộc hành Thủy, tượng trưng cho tài lộc và sự thịnh vượng. Giặt đồ trong ngày này bị coi là "xả" đi tài lộc của cả năm. Nhiều gia đình thường giặt sạch quần áo từ trước Giao thừa để tránh việc giặt giũ trong hai ngày đầu năm.

Không giặt đồ trong 2 ngày đầu năm mới
7. Kiêng kỵ quét nhà ngày mùng 1
Người Việt xưa tin rằng, quét nhà ngày đầu năm sẽ quét đi tài lộc và vận may. Do đó, việc dọn dẹp nhà cửa thường được hoàn tất trước Giao thừa. Nếu cần quét dọn, họ chỉ quét gọn vào góc và không vứt rác ra ngoài để tránh "đuổi" mất lộc.
8. Kiêng kỵ ăn nói xui xẻo
Lời nói có sức mạnh tạo ra năng lượng, nên đầu năm người Việt rất chú trọng việc giữ lời nói tốt đẹp. Những câu nói xui xẻo như "chết rồi," "hỏng hết" bị xem là mang lại vận rủi. Thay vào đó, mọi người thường sử dụng những lời chúc may mắn, tốt đẹp để khởi đầu năm mới trọn vẹn.
9. Kiêng kỵ vay tiền hay đòi nợ
Việc vay mượn hoặc đòi nợ ngày đầu năm được xem là mất lộc, ảnh hưởng đến tài chính của cả năm. Người Việt tin rằng, đầu năm dư dả thì cả năm mới sung túc. Vì thế, các khoản nợ nần thường được giải quyết trước Tết để tránh phạm điều kiêng kỵ này.
10. Không cho lửa nước cho người khác
Lửa tượng trưng cho sự ấm áp, hưng thịnh; nước tượng trưng cho tài lộc. Đưa lửa hoặc nước cho người khác đồng nghĩa với việc tự tay "đem" đi vận may và sự thịnh vượng của gia đình. Vì vậy, ngày Tết, mọi người thường từ chối lịch sự nếu ai đó xin lửa hoặc nước.

Không cho lửa và nước cho người khác
11. Không ngồi trước cửa nhà
Ngồi chắn cửa được xem là cản trở luồng khí tốt và ngăn chặn tài lộc vào nhà. Điều này không chỉ là quan niệm phong thủy mà còn mang ý nghĩa nhắc nhở về việc giữ không gian gọn gàng, thông thoáng, đặc biệt trong ngày đầu năm.
12. Không để người có tang xông đất
Người có tang được cho là mang năng lượng không tốt, không phù hợp với không khí vui tươi của ngày Tết. Vì thế, việc chọn người xông đất thường dựa trên tuổi, tính cách và vận khí tốt để mang lại may mắn cho gia đình.
13. Không khóc lóc, luôn vui vẻ
Khóc lóc đầu năm bị xem là điềm xấu, mang lại sự u buồn, trắc trở. Vì vậy, mọi người luôn cố gắng giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái, tránh làm những việc dễ gây xúc động mạnh trong dịp Tết.
14. Không làm việc nặng nhọc
Ngày Tết là dịp nghỉ ngơi, làm việc nặng không chỉ gây mệt mỏi mà còn bị xem là điềm báo một năm vất vả. Đây cũng là lý do mọi người hoàn tất các công việc nặng nhọc từ trước Tết để tránh phạm điều kiêng kỵ này.

Không làm các công việc nặng nhọc trong 3 ngày Tết
15. Tâm luôn trong sáng không thị phi hay tính toán
Người Việt quan niệm, đầu năm giữ tâm sáng, tránh những suy nghĩ tiêu cực, thị phi là cách để thu hút vận may. Tính toán thiệt hơn hoặc gieo điều không tốt sẽ khiến tâm trạng u ám, ảnh hưởng đến năng lượng cả năm.
Ba ngày Tết không chỉ là khoảng thời gian nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình mà còn mang đậm giá trị văn hóa, đạo lý và phong tục truyền thống của dân tộc Việt Nam. Hiểu và tuân theo ý nghĩa cũng như những điều nên làm, kiêng kỵ trong dịp Tết không chỉ giúp gia đình bạn khởi đầu một năm mới suôn sẻ mà còn lan tỏa nét đẹp văn hóa đến thế hệ sau.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm website Food City. Chúng tôi là đơn vị chuyên cung cấp các loại trái cây sấy, hạt dinh dưỡng, set quà tặng Tết cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, hứa hẹn sẽ đem đến một thi vị Tết thật vui tươi và tràn ngập tiếng cười cho gia đình bạn.